Thời kỳ cuối trị vì Vương_Thẩm_Tri

Năm 917, Lưu Nghiễm gả Thanh Viễn công chúa Lưu Hoa làm vợ của Vương Diên Quân- nhị tử của Vương Thẩm Tri, thắt chặt quan hệ giữa hai nước.[16][17]

Năm 918, Ngô vương Dương Long Diễn khiển tướng Lưu Tín (劉信) suất quân đi tiến công Bách Thắng[chú 13] tiết độ sứ Đàm Toàn Bá (譚全播) — người trên danh nghĩa quy phục cả Ngô và Hậu Lương — nhằm thôn tính Bách Thắng. Đàm Toàn Bá cầu viện Mân, cũng như Ngô Việt và Sở. Quân Mân tiến đến đóng tại Vu Đô[chú 14] để cứu viện Đàm Toàn Bá, Ngô Việt và Sở cũng phái binh đến. Đến khi Lưu Tín đánh bại quân Sở, quân Mân và quân Ngô Việt cũng triệt thoái. Sau đó, Lưu Tín chiếm được Kiền châu, Ngô nay kiểm soát trực tiếp Bách Thắng quân.[16]

Sau khi Vương Thẩm Khuê qua đời, Vương Thẩm Tri cho phép con của ông ta là Vương Diên Bân (王延彬) kế tập cai quản Tuyền châu, sau đó ban cho Diên Bân chức Bình Lô[chú 15] tiết độ sứ (mặc dù Mân không kiểm soát quân này). Vương Diên Bân cai quản Tuyền châu trong vòng 17 năm, tình hình an định. Tuy nhiên, sau khi nhận được một bạch lộc và tử chi, ông ta trở nên kiêu nạo, tin tưởng vào lời của tăng Hạo Nguyên (浩源) rằng mình sẽ trở thành vương giả. Vương Diên Bân còn bí mật khiển sứ giả đến triều đình Hậu Lương triều cống, mong được bổ nhiệm làm Tuyền châu tiết độ sứ. Vương Thẩm Tri phát hiện ra sự việc vào năm 920, ông cho giết Hạo Nguyên cùng đồng đảng, truất chức vụ của Vương Diên Bân, buộc về sống trong tư em.[18]

Năm 922, Lưu Nghiễm đến Mai Khẩu[chú 16] để tránh tà, do Mai Khẩu nằm gần biên giới giữa Mân và Nam Hán,[18] tướng Mân là Vương Diên Mỹ (王延美)- có lẽ là con của Vương Thẩm Tri hoặc Vương Thẩm Khuê,[17] quyết định tập kích Lưu Nghiễm. Tuy nhiên, Lưu Nghiễm biết trước tin tức và chạy trốn kịp thời.[18]

Năm 923, Lý Tồn Úc xưng là hoàng đế Hậu Đường, tức Hậu Đường Trang Tông, sau đó chiếm được kinh đô Đại Lương của Hậu Lương, triều Hậu Lương diệt vong.[19] Sau đó, Mân và Hậu Đường trao đổi sứ giả, Vương Thẩm Tri công nhận quyền bá chủ của Hậu Đường Trang Tông.[12]

Năm 924, Nam Hán tiến công Mân, Hoàng đế Lưu Nghiễm tiến đến Đinh châu và Chương châu của Mân, tuy nhiên kết quả là chiến bại trước quân Mân và phải triệt thoái.[20]

Năm 925, Vương Thẩm Tri lâm bệnh, mệnh trưởng tử là Vũ Uy tiết độ phó sứ Vương Diên Hàn nắm quyền cai quản quân phủ sự[20] (Đương thời có tin đồn nói rằng Vương Thẩm Tri bị bệnh là do bị hạ độc bởi vợ Thôi thị của Vương Diên Hàn.)[17] Ngày Tân Mùi tháng 12 ÂL năm đó, Vương Thẩm Tri qua đời, Vương Diên Hàn nắm quyền cai quản nước Mân, tự xưng là Uy Vũ lưu hậu.[4] Ông được an táng tại Tuyên Lăng (nay tại núi Liên HoaPhúc Châu, Phúc Kiến), thụy hiệu là Trung Ý, miếu hiệu là Thái Tổ.

Ông được lịch sử đánh giá là người hòa thuận với các nước lân bang, giữ yên bờ cõi; giảm nhẹ lao dịch, cắt giảm sưu thuế; phát triển sản xuất khiến kinh tế trở nên phồn thịnh; mở cửa các cảng, khuyến khích thông thương với nước ngoài; chiêu hiền nạp sĩ, phát triển giáo dục.[21]